“Content is king” - đây vẫn được xem là châm ngôn bất biến trong lĩnh vực marketing nói chung và SEO nói riêng. Nhưng bạn biết đó, Vua thì cũng “có this có that”, và một vị Vua chỉ thực sự hùng mạnh khi trị vì tốt vương quốc của mình bằng các chiến lược thông minh, tất thắng.
Trong bài viết này, chúng tôi, các phù thủy content huyền bí, sẽ bày cho bạn cách xây dựng chiến lược “đánh đâu thắng đó” cho vị vua của bạn.
Định hình content chất lượng chỉ với 5 bước xây dựng chiến lược nội dung chuẩn Google
Trước khi đi vào nội dung chính thì chúng ta nên điểm lại một chút về khái niệm content strategy và cả vai trò của nó trong hoạt động marketing tổng thể.
- Content strategy là gì?
Content strategy, với cái tên Việt hóa là chiến lược nội dung, chỉ việc đưa ra định hướng, chiến thuật và cách thức để thực hiện và phát triển nội dung cho sản phẩm hay một dịch vụ của một doanh nghiệp, nhằm quảng bá hình ảnh, thu hút được nhiều khách hàng và cuối cùng là tạo ra doanh thu. Đây là phần không thể bỏ qua nếu như bạn muốn bài viết của mình nhận được sự đón nhận của đông đảo độc giả và đạt vị trí cao trên bảng xếp hạng của Google.
- Content strategy có vai trò gì trong marketing?
Một chiến lược nội dung hoàn hảo sẽ là một công cụ đắc lực để triển khai các hoạt động content marketing (tiếp thị nội dung) đạt hiệu quả cao hơn. Content marketing đóng vai trò hiện thực hóa những kế hoạch nằm trong content strategy một cách chi tiết, cũng như phát triển các chủ đề, văn phong và nội dung truyền tải đến khách hàng. Content strategy và content marketing tuy có định nghĩa khác nhau, nhưng cả hai đều đóng vai trò quan trọng để xây dựng một chiến dịch marketing thành công.
Không để bạn chờ lâu hơn nữa, dưới đây là 5 bước chính giúp bạn xây dựng được một chiến lược content “chuẩn không cần chỉnh”.
Bước #1: Định tuyến nội dung bằng cách tối ưu hoá mục tiêu tiếp cận
Trước khi bắt tay vào việc tạo lập một nội dung mới, người viết cần hiểu rõ mục đích mà bài viết của mình sắp thực hiện là gì, bằng cách trả lời các câu hỏi sau đây:
- Mục tiêu mà bài viết đang hướng đến là gì?
Đó có thể là bài viết giới thiệu một sản phẩm mới, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, thu hút khách hàng tiềm năng, kết nối với những khách hàng cũ, hoặc hướng đến một mục tiêu phát triển cụ thể nào đó.
Một lưu ý mà các bạn content writer hay content creator (người sáng tạo nội dung) luôn phải ghi nhớ là mỗi bài viết sẽ có những cách sáng tạo khác nhau. Ví dụ, bạn thực hiện chiến dịch nội dung cho bài viết về quảng bá cho một doanh nghiệp khách hàng tuy không thực sự có ích trong việc đẩy mạnh doanh thu bán hàng, nhưng đã thành công khi giúp hình ảnh của doanh nghiệp được nhiều người biết đến, quan tâm và cũng có thể lựa chọn các dịch vụ và sản phẩm của mình.
- Cách lựa chọn mục tiêu phù hợp dựa trên ngành nghề như thế nào?
Mỗi loại hình kinh doanh sẽ có những đối tượng khách hàng khác nhau, vì thế bạn cần nghiên cứu để nắm rõ thị trường cũng như nhóm khách hàng phù hợp.Khi đã xác định được người đọc là ai thì việc định hướng chiến lược nội dung sẽ được thực hiện một cách dễ dàng và đúng trọng tâm, tránh được những lỗi lan man hay lạc đề khi sáng tạo content.
Bước #2: “Level up” cho chiến lược nội dung bằng cách nắm rõ chân dung khách hàng
Kế hoạch sản xuất content đạt được kết quả cao khi người viết nắm rõ nội dung bài viết mà mình làm ra được dành cho đối tượng nào. Ngoài ra, một cách khác giúp người viết hiểu độc giả của mình hơn chính là dựa vào những số liệu và phân tích từ các nội dung đa đăng tải trước đó. Hãy tìm hiểu xem nội dung nào được nhiều người quan tâm nhất và họ thường chia sẻ bài viết trên những nền tảng mạng xã hội nào.
Theo gợi ý của Neil Patel - một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Marketing, để nhận được sự đánh giá chính xác và hiệu quả người viết có thể kết hợp hai công cụ từ Google đó là Google Demographics and Interests và Google Analytics.
- Google Analytics: là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về người tiêu dùng qua những phân tích cụ thể ở nhiều thời điểm khác nhau. Từ những kết quả đó, doanh nghiệp sẽ biết cách điều chỉnh để phù hợp với đối tượng khách hàng của mình nhất.
- Demographics and Interests: người dùng sẽ biết được những thông tin về độ tuổi, giới tính, hay khu vực sinh sống dựa trên dữ liệu từ thói quen mua sắm của họ.
Kết hợp hai công cụ hữu ích này sẽ giúp cho doanh nghiệp nắm bắt tâm lý của những nhóm khách hàng đang hướng đến. Từ đó, việc xây dựng cho website một nội dung chất lượng, sao cho phù hợp nhất cũng sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Bước #3: "Niche content" - trợ thủ đắc lực để tạo ra chiến lược content chuyên sâu
“Niche content”: Là những hiểu biết sâu sắc, hay mức độ chuyên môn của người viết về một chủ đề hay một lĩnh vực cụ thể nào đó. Thực tế, không khó để gặp vô số các bài viết cẩu thả, thiếu đầu tư trong con chữ cũng như kiến thức được truyền tải. Những nội dung đó đơn giản là sự cắt ghép từ nhiều nguồn khác nhau, không chứa đựng một giá trị nào đến với người đọc.
Chính vì lẽ đó, khi thực hiện chiến dịch sản xuất nội dung cho một bài viết, những nhà sáng tạo nội dung phải tìm hiểu thật sâu lĩnh vực mình sắp viết, dùng câu chữ trau chuốt để mang đến người đọc những thông tin chất lượng, độc đáo và quan trọng hơn cả là đúc kết được những giá trị thiết thực sau khi đọc bài. Một bài viết như thế này sẽ gây được thiện cảm với người đọc, tạo cơ hội cho người viết gây ấn tượng lâu hơn với khán giả của mình, dù động cơ đọc bài của họ là đang là tìm kiếm thông tin hay chỉ là tham khảo, giải trí. Đặc biệt, khi người viết thể hiện Niche hiệu quả sẽ giúp bài viết có được một lượng truy cập khổng lồ.
Bước #4: Đo lường kết quả của chiến lược xây dựng nội dung
Đo lường kết quả từ những chiến lược quảng cáo và tiếp thị nội dung là một trong những công đoạn không thể bỏ qua trong việc phát triển một chiến lược hiệu quả. Dựa vào những gì đã được thực hiện, bạn cần biết người đọc thích và không thích điều gì. Bởi lẽ, nếu chỉ lên kế hoạch, xây dựng chiến lược và tổ chức sáng tạo nội dung mà không nhìn nhận lại kết quả đạt được thì cũng giống như một cuộc hội thoại mà chỉ có người nói, người còn lại có thể nghe hoặc đã bỏ đi từ lâu mà người nói cũng không hề biết đến. Mức độ hiệu quả của những chiến lược mà đang được thực hiện có thể được đánh giá qua 4 chỉ số dưới đây:
- Chỉ số tiêu thụ (Consumption Metrics)
Bạn có thể lấy dữ liệu này Google Analytics bằng cách chọn Behavior - Site Content - Content Drilldown. Tại đây, bạn có thể sắp xếp theo các yếu tố khác nhau như: Thời gian trung bình người xem dành ra trên một trang, tỷ lệ thoát ra ngoài và số lần vào xem nội dung.
Dựa vào những kết quả thu được, bạn sẽ trả lời được những câu hỏi như lượng traffic (truy cập) bài viết của mình có cao không? Người xem thường dành bao lâu cho một bài viết của mình? Hay có nội dung nào được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội hay không?
- Chỉ số mức độ chia sẻ trên mạng xã hội (Social Sharing Metrics)
Bài viết của bạn được share (chia sẻ) trên các phương tiện truyền thông là một tín hiệu tốt vì đây là mình chứng cho việc nội dung bạn làm ra tạo được ấn tượng, mang lại giá trị, được người dùng tin tưởng và muốn lan tỏa nó đến cộng đồng của họ. Từ những lượt share, bạn có biết được nội dung nào dành được nhiều sự quan tâm và đánh giá cao của người đọc, nền tảng được dùng để chia sẻ nội dung đó là gì, và quan trọng nhất là nội dung đang chuyển đổi được những gì dựa vào bảng phân tích của Google Analytics.
Có ba loại giá trị quan trọng cần được quan tâm, đó là:
- Chuyển đổi (Conversion): Tại đây bạn sẽ biết được tổng số lượng chuyển đổi, từ mọi nguồn lưu lượng truy cập, không chỉ trên mạng xã hội.
- Chuyển đổi mạng xã hội được đóng góp (Contributed Social Conversions): Để đăng ký chuyển đổi xã hội được hỗ trợ, người truy cập phải từng truy cập vào các trang web truyền thông xã hội một lần, mặc dù họ có thể đã sử dụng một nguồn lưu lượng truy cập khác trước phần cuối cùng của chuyển đổi.
- Chuyển đổi trên mạng xã hội tương tác cuối cùng: Người truy cập được xếp vào nhóm này khi họ đến từ mạng xã hội và hoàn thành mục tiêu được giao trong cùng một phiên.
Những dữ liệu này sẽ mang lại thông tin chi tiết về loại hình nội dung cần được sáng tạo để nhận về lượng chuyển đổi như kỳ vọng. Ngoài ra, bạn sẽ có thể biết được nền tảng truyền thông nào đang hoạt động tốt nhất. Một lưu ý khác đó là một số Niche được khuyến khích chia sẻ nhiều hơn những người viết khác, vì thế hãy so sánh những kết quả của mình với những người cũng hướng đến nhóm khách hàng tương tự như mình đã thực hiện để học hỏi thêm những kỹ năng hay Niche từ họ.
- Chỉ số khách hàng tiềm năng (Lead Metrics)
Thiết kế và xây dựng nội dung cần được điều chỉnh sao cho phù hợp những đối tượng cụ thể tại mỗi phân đoạn của phễu bán hàng. Nội dung của bạn có thể thu hút khách hàng tiềm năng nhưng ngược lại, vẫn có thể đẩy họ đi nếu bạn làm không tốt. Vì vậy, bạn cần theo dõi hiệu suất của content để tìm ra những điểm cần cải thiện, ngăn người dùng bỏ kênh bán hàng, cũng như tạo sự chú ý đối với các khách hàng mới. Cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để theo dõi khách hàng tiềm năng là sử dụng Google Analytics.
- Chỉ số bán hàng (Sales Metrics)
Đối với hầu hết các doanh nghiệp, việc sáng tạo nội dung đến cuối cùng là để bổ trợ cho việc đẩy mạnh doanh thu. Do đó, nếu chiến lược xây dựng nội dung của bạn dựa trên doanh thu, bạn sẽ cần phải tìm cách đo lường mức doanh thu mà tiếp thị nội dung của bạn đã tạo ra hoặc góp phần tạo ra.
Để biết được số tiền lợi nhuận có được từ nội dung là bao nhiêu, bạn có thể đăng nhập vào Google Analytics, chọn Behavior - Site Content - All Pages. Phần hiển thị ở cột Page Value sẽ có bạn biết giá trị mà doanh nghiệp thu được từ phát triển content là như thế nào một cách chi tiết nhất.
Bước #5: Cải thiện và phát triển chất lượng nội dung bằng cách lắng nghe khách hàng
Mặc dù các dữ liệu thu thập được có thể khá hữu ích, song chúng chỉ cung cấp cho bạn phần “hữu hình”, có thể nhìn rõ được của kết quả sáng tạo. Bạn không thể chỉ dựa vào chúng, mà còn phải lắng nghe ý kiến nhận xét và đóng góp của người xem. Không chỉ giúp bạn cải thiện và nâng cao chất lượng nội dung, mà từ phía khách hàng, họ cũng sẽ cảm nhận được rằng mọi ý kiến của họ đều được quan tâm, lắng nghe chân thành. Chính vì vậy hãy tạo nhiều cơ hội để họ phản hồi, đề xuất và tương tác với nội dung của bạn một cách thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, khai thác ý kiến từ thành viên trong team nhà cũng là một cách hay để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng. Bộ phận bán hàng và chăm sóc khách hàng là những người thường xuyên trao đổi trực tiếp với khách hàng, chắc chắn họ sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về cách khách hàng nhìn nhận hình ảnh doanh nghiệp.
Từ tất cả các “chất liệu” kể trên, bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng để cải thiện và xây dựng những chiến lược nội dung đặc sắc và độc đáo hơn nữa trong tương lai.
Những câu hỏi thường gặp trong việc xây dựng chiến lược nội dung
- Xây dựng chiến lược nội dung bao gồm những công đoạn nào?
Một chiến lược content thường sẽ bao gồm những việc như sau: xây dựng ý tưởng nội dung, phát triển và xuất bản nội dung, lên kế hoạch thời gian để biên tập, thiết lập và giám sát quy trình cũng như hệ thống, sáng tạo nội dung, chỉnh sửa, thực hiện tối ưu hóa SEO trên trang chính và các hoạt động khác liên quan đến quản lý nội dung.
- Khung chiến lược nội dung là và chúng có chức năng ra sao?
Khung chiến lược nội dung được xem như một dàn ý hoặc phác thảo về cách bạn dự định tạo ra nội dung. Trong đó bao gồm thông tin của người đọc, từ khóa cần tập trung, tần suất cũng như thời điểm bạn sẽ xuất bản nội dung và những ai sẽ tham gia công đoạn sáng tạo nội dung.
- Bước đầu tiên của việc xây dựng chiến lược nội dung là gì?
Xác định mục tiêu sáng tạo nội dung là việc đầu tiên cần phải làm. Từ đó, bạn có thể đưa ra những quyết định về quy trình thực hiện sẽ như thế nào, đối tượng mục tiêu của bạn là ai hay lịch xuất bản bài viết của bạn nên như thế nào.
Xây dựng một chiến lược phát triển nội dung hiệu quả không phải là việc có thể làm trong thời gian ngắn, mà nó đòi hỏi một quá trình dài của việc tìm hiểu, nghiên cứu và định hướng. Tuy nhiên, đó cũng không phải là một việc bất khả thi nếu như bạn thực sự đầu tư một cách nghiêm túc và đúng đắn. Qua những chia sẻ trên, hy vọng những bạn đang mông lung, mơ hồ không biết xây dựng chiến lược nội dung như thế nào sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích để bắt tay vào thực hiện những kế hoạch cho riêng mình.